Trung tuần tháng 2 OpenAI công bố công cụ mới Sora, có thể tạo video mượt mà như thật trong vài giây chỉ từ dòng mô tả ngắn gọn của người dùng. Lại thêm một công việc nữa bị đe dọa chăng?
Các đổi mới công nghệ gắn liền với cách chúng ta làm việc thường bị đổ lỗi cho tình trạng thất nghiệp tăng, nhưng lịch sử cho thấy nhân loại rồi sẽ vượt qua nỗi sợ này lần nữa.
Thất nghiệp do AI – Đã có một thời như thế
Năm 1930, nhà kinh tế học nổi tiếng người Anh John Maynard Keynes cảnh báo nhân loại đang “mắc phải một căn bệnh mới” mang tên thất nghiệp công nghệ. Theo Keynes, những tiến bộ kỹ thuật giúp con người tiết kiệm sức lao động đang “vượt xa tốc độ mà chúng ta có thể tìm ra những cách mới để sử dụng sức lao động” dư thừa ấy.
Trong một bài báo trên tạp chí MIT Technology Review tháng 12-1938, Karl T. Compton – chủ tịch Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) giai đoạn 1930-1948 – cho rằng cần phân biệt rõ giữa những tác động của tiến bộ công nghệ đối với tổng thể ngành công nghiệp và những tác động – thường gây đau đớn hơn – trên mỗi cá nhân.
Theo Compton, không có cơ sở để nói rằng công nghệ gây thất nghiệp ở quy mô cả ngành công nghiệp, do lẽ các tiến bộ mới đã tạo ra “rất nhiều ngành nghề khác” đồng thời mở rộng thị trường của nhiều sản phẩm bằng cách “giảm chi phí sản xuất để giúp đem giá cả về mức phù hợp với phần đông người tiêu dùng”.
Chẳng hạn, một nhà máy được tự động hóa có thể khiến số nhân công cần để vận hành nó ít đi nhưng kết quả khiến giá thành món hàng giảm làm tăng nhu cầu thị trường, cuối cùng nhiều nhà máy khác mọc lên để đáp ứng nhu cầu đó và giải quyết số lao động dôi dư và hơn thế nữa.
Nói ngắn gọn hơn, các tiến bộ công nghệ có thể tạo ra nhiều việc làm hơn so với số đầu việc bị nó xóa sổ. Dù vậy, Compton cũng thừa nhận đối với một nhóm người lao động và vài cộng đồng, “thất nghiệp do công nghệ có thể là một vấn đề xã hội rất nghiêm trọng, chẳng hạn một thị trấn nơi có nhà máy phải đóng cửa, hay một ngành thủ công bị thay thế bởi kỹ thuật mới”.
Thời điểm bài báo của Compton được xuất bản, cuộc Đại suy thoái bắt đầu từ trước đó gần một thập niên vẫn đang âm ỉ trên thế giới nói chung và trong lòng nước Mỹ nói riêng, nơi ghi nhận tỉ lệ thất nghiệp lên đến khoảng 20%. Góc nhìn lý thuyết của Compton, vì thế, gây không ít tranh cãi.
Nhà báo Louis Stark trong bài viết đăng trên tờ New York Times năm 1940 chỉ ra quan điểm của Compton mâu thuẫn với nhận định của tổng thống Franklin Roosevelt trong bài phát biểu trước Quốc hội rằng nước Mỹ “chưa tìm ra cách tạo công ăn việc làm cho lượng lao động dư thừa nhanh như cách mà các tiến bộ công nghiệp của chúng ta đã tạo ra cho họ”.
Câu hỏi mà Stark đặt ra là, giả sử Compton đúng về việc năng suất tăng giúp tạo thêm nhiều việc làm về dài hạn, quá trình này liệu có diễn ra đủ nhanh đối với những “người làm công ăn lương bị ảnh hưởng khi mà họ phải kiếm ăn và chăm lo cho gia đình ngay trước mắt” hay không.
Và với AI cũng thế thôi
Ngày nay, người ta có lý do để lại lo sốt vó về AI và những công nghệ kỹ thuật số tiên tiến khác sẽ giành hết việc của con người. Không chỉ là một nhà máy đóng cửa: các công nghệ mới gần đây đã dẫn đến tình trạng mất việc làm trên diện rộng của nền kinh tế.
Dù vậy, trong một bài viết hồi tháng 1 cho MIT Technology Review, cây bút David Rotman cho rằng quan điểm “tiến bộ công nghệ không có nghĩa là ít việc làm hơn” cho tới ngày nay vẫn đúng.
Theo Rotman, nhân loại đang tìm ra cách tốt nhất để sử dụng AI nhằm mở rộng nền kinh tế và tạo ra công ăn việc làm mới. Với lao động nhiều ngành nghề, AI sẽ trở thành một phần của ngày làm việc bình thường và không nhất thiết dẫn đến tình trạng sa thải.
Rotman cho rằng đó là kịch bản khả dĩ và quyền quyết định nằm trong tay chính chúng ta chứ không như tương lai mà Elon Musk từng đề cập trong một cuộc phỏng vấn cuối năm 2023 với Thủ tướng Anh Rishi Sunak: sẽ đến lúc thế giới “không cần việc làm” nhờ một “thần đèn AI có thể làm mọi thứ bạn muốn”.
Mặc dù có thể kế thừa sự lạc quan của Compton trong bối cảnh hiện tại, vẫn còn một ẩn số: AI sẽ tạo ra bao nhiêu công việc mới ngay cả khi những công việc hiện tại biến mất? David Autor và các cộng sự tại MIT tính toán rằng 60% việc làm trong năm 2018 là những loại công việc chưa từng tồn tại trước năm 1940.
Đổi mới sáng tạo có thể tạo ra nhiều việc làm mới vì nó giúp tăng năng suất của người lao động, tăng cường các khả năng hiện hữu của họ và khai mở tiềm năng để thực hiện các công việc mới. Mặt khác, các doanh nghiệp tận dụng AI và tự động hóa tiên tiến để cắt giảm nhân công một cách cơ học nhằm tiết kiệm chi phí.
Chính vì vậy mà một điểm sáng nữa trong bài báo năm 1938 của Compton vẫn còn giá trị đến ngày nay: các công ty cần có trách nhiệm hạn chế những tổn hại của bất kỳ quá trình chuyển đổi công nghệ nào.
Đề xuất của ông bao gồm “sự hợp tác giữa các ngành của cộng đồng để đồng bộ hóa việc sa thải ở một công ty với việc làm mới ở một công ty khác”. Điều này nghe có vẻ lỗi thời trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay, nhưng đại ý về cơ bản vẫn không thay đổi: “Tiêu chí cơ bản để quản lý tốt trong vấn đề này, cũng như mọi vấn đề khác, là động cơ lớn nhất không thể là lợi nhuận nhanh chóng mà phải là phục vụ tốt nhất cho công chúng” – Compton viết.
Thực tế đã cho thấy nhiều công việc mới đã sinh ra trong thời AI. Có những đầu việc, chức danh sinh ra vội vàng đến mức người ta không thực sự rõ người đó làm cụ thể chuyện gì. AI không cướp mất việc, mà nó chỉ là công cụ sản sinh nhiều vị trí mới. Thế nên bạn cũng đừng quá lo, tương lai AI sẽ cướp mất công việc hiện tại.
Vì công nghệ sẽ luôn thay đổi theo thời gian để giúp cho công việc của chúng ta đơn giản hơn. Việc chúng ta cần làm là tập trung vào bản thân và phát triển các kỹ năng đi cùng với công nghệ cho để theo kịp thời đại. AI không có lỗi, lỗi ở chính những người không biết tận dụng nó.