“Bạn có câu hỏi gì dành cho chúng tôi không?” và nghệ thuật đặt câu hỏi khi phỏng vấn
Có phải bạn đã từng trải qua cảm giác “đứng hình mất 5 giây” khi được hỏi “Bạn có câu hỏi gì dành cho chúng tôi không?” ở gần cuối buổi phỏng vấn? Nghệ thuật đặt câu hỏi không chỉ là vấn đề thuộc về nhà tuyển dụng mà ngay cả ứng viên cũng nên chú trọng. Việc đặt câu hỏi sáng tạo và thông minh không chỉ giúp ứng viên hiểu rõ hơn về công ty và vị trí công việc, mà còn tạo ấn tượng mạnh và chứng tỏ khả năng tư duy phân tích của mình. Bài viết này sẽ gợi ý cho bạn cách để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng thông qua quá trình đặt câu hỏi khi phỏng vấn.
Đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn có ý nghĩa như thế nào?
Thông thường, đặt câu hỏi là quá trình thu thập thông tin dành cho người hỏi. Tuy nhiên, trong quá trình phỏng vấn, việc đặt câu hỏi từ phía ứng viên còn giúp nhà tuyển dụng có thêm dữ kiện để đánh giá ứng viên. Bởi vì quá trình này không tuân theo một công thức cụ thể nào mà thường dựa trên khả năng quan sát, phân tích tình huống, tư duy phản biện, cũng như sự linh hoạt của người đặt câu hỏi.
- Đầu tiên, việc đặt câu hỏi thể hiện sự quan tâm và tư duy phân tích của ứng viên. Thông qua những câu hỏi, ứng viên có thấy sự quan tâm đến công ty và vị trí công việc, và có mong muốn tìm hiểu rõ hơn về chúng.
- Thứ hai, việc đặt câu hỏi giúp ứng viên hiểu rõ hơn về văn hóa công ty và công việc. Câu hỏi càng cởi mở và chi tiết, ứng viên càng có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về giá trị, mục tiêu và môi trường làm việc của công ty.
- Thứ ba, việc đặt câu hỏi giúp ứng viên đánh giá tính phù hợp của công việc. Qua việc đặt câu hỏi, ứng viên có thể tìm hiểu sâu hơn về yêu cầu công việc, tiến trình làm việc và cơ hội phát triển trong công ty. Điều này giúp ứng viên đánh giá mức độ phù hợp của công việc với tính cách và mục tiêu nghề nghiệp của mình, từ đó xác định đây có phải là công việc thật sự dành cho mình hay không.
6 nguyên tắc cơ bản trong nghệ thuật đặt câu hỏi khi phỏng vấn
Để đặt câu hỏi hiệu quả hơn, bạn có thể tham khảo một số nguyên tắc cơ bản sau.
- Đầu tiên, đừng bao giờ nói: “Em không có gì để hỏi ạ.”
- Thứ hai, trước khi phỏng vấn, ứng viên nên tiến hành nghiên cứu kỹ về công ty và vị trí công việc để có câu hỏi thông minh và phù hợp với ngữ cảnh.
- Thứ ba, ứng viên nên đặt câu hỏi mở, để nhà tuyển dụng chia sẻ thông tin rộng hơn về công việc, môi trường làm việc và cơ hội phát triển. Câu hỏi cởi mở sẽ giúp chúng ta khai thác thông tin sâu hơn và hiểu rõ hơn về các khía cạnh quan trọng trong công việc.
- Thứ tư, trong quá trình đặt câu hỏi, ứng viên nên tập trung vào những yếu tố quan trọng như tiến trình công việc, cơ hội phát triển và mục tiêu của công ty. Điều này giúp ứng viên có cái nhìn tổng quan và đánh giá mức độ phù hợp của mình với công việc và công ty.
- Thứ năm, ứng viên nên tránh đặt câu hỏi chỉ xoay quanh lợi ích cá nhân mà không liên quan đến công việc hoặc công ty. Thay vì đó, họ nên tập trung vào những câu hỏi mang tính chuyên môn và liên quan trực tiếp đến vị trí công việc.
- Thứ sáu, ứng viên có thể tạo sự tương tác và chia sẻ thông tin bằng cách đặt câu hỏi liên quan đến trải nghiệm của nhân viên hiện tại. Điều này không chỉ tạo sự kết nối và tương tác tích cực, mà còn giúp ứng viên hiểu rõ hơn về môi trường làm việc và nhận được những thông tin chân thực từ những kinh nghiệm thực tế.
11 mẫu câu hỏi tham khảo giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng
- Một ngày ở công ty của anh/chị diễn ra như thế nào?
- Tầm nhìn kinh doanh dài hạn của công ty sẽ có những điểm nào đáng lưu ý nào?
- Văn hóa doanh nghiệp nào của công ty khiến anh/chị thấy tự hào nhất?
- Thách thức lớn nhất mà phòng ban phải đối mặt hiện nay anh/chị cảm thấy là gì?
- Theo anh/chị, những yếu tố gì tạo nên thành công trong vị trí này?
- Công ty có những cơ hội đào tạo và phát triển nghề nghiệp nào cho nhân viên?
- Công ty có những dự án thú vị nào đang triển khai?
- Những giá trị và văn hóa của công ty được thể hiện như thế nào trong môi trường làm việc hàng ngày?
- Những thách thức chính mà công ty đang đối mặt trong ngành này? Và công ty đã có những chiến lược nào để vượt qua những thách thức đó?
- Làm thế nào công ty tạo ra môi trường làm việc đa dạng và thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới?
- Có những công nghệ, công cụ hoặc quy trình mới nào công ty đang áp dụng để cải thiện hiệu suất và hiệu quả công việc?
Tất nhiên, như đã nói trước đó, việc đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng không tuân theo một công thức nào cả. Vậy nên, những câu hỏi mẫu bạn tìm được từ Google, kể cả trong bài viết này, đều chỉ mang tính chất tham khảo. Để tạo ấn tượng tốt và chinh phục nhà tuyển dụng, bạn cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và thật sự để tâm vào vị trí mình đang ứng tuyển.
Chúc các bạn ứng viên sẽ sớm tìm được một công việc như ý.
DigiSource – Đúng người đúng việc, giá trị khác biệt.